THỦ PHÁP CHỤP ẢNH TƯƠNG PHẢN TO-NHỎ

CHỤP ẢNH VỚI TƯƠNG PHẢN TO-NHỎ

Ảnh phong cảnh thường áp dụng thủ pháp này

Tuy thể loại nhiếp ảnh nào cũng có thể áp dụng thủ pháp thể hiện chủ đề nhỏ hoặc rất nhỏ trong bối cảnh rộng hoặc rất rộng nhưng có lẽ thể loại ảnh phong cảnh được áp dụng nhiều nhất.

Khi áp dụng thủ pháp này lỗi thường mắc phải là chủ đề bị chìm lỉm luôn, lý do thường là chủ đề có độ sáng không cách biệt nhiều so với bối cảnh hoặc chủ đề bị đồng dạng với bối cảnh, do vậy 2 yếu tố tiên quyết cần tuân theo là:

1/ chủ đề có độ sáng tương phản với bối cảnh, tối thiểu vùng bối cảnh chung quanh chủ đề phải cách biệt sáng tối nhiều so với chủ đề.

2/ hình dạng, đường nét của chủ đề phải khác biệt với bối cảnh chung quanh.

Kinh nghiệm cụ thể ở tấm hình trên là khi phát hiện bối cảnh phù hợp, cụ thể là ngọn núi to sừng sững chắn ngang con suối, tôi chọn vị trí giữa suối, nơi các lùm cây 2 bên đối xứng, ngọn núi ở giữa và chờ khi chiếc thuyền đi vào vùng giữ là bấm máy, lúc này do lùm cây 2 bên tạo thành “bức rèm” hướng sự tập trung vào giữa, nơi có ngọn núi to chắn đường, đối lập với con thuyền bé bỏng, tạo kịch tính cho tấm ảnh, làm chủ đề nổi bật mặc dù chủ đề có diện tích rất nhỏ. Ngoài ra tương phản sáng-tối giữa con thuyền và bối cảnh chung quanh cũng góp phần quan trọng làm chủ đề thêm nổi bật.

Việc đóng khung bao nhiêu cũng rất quan trọng, khi sử dụng thủ pháp này bối cảnh càng to so với chủ đề mà vẫn giữ được chủ đề nổi bật là mục đích, hãy cố gắng đóng khung rộng nhất có thể, chỉ giới hạn khi trong bối cảnh có chi tiết nổi hơn chủ đề hoặc chủ đề trở nên quá nhỏ, không còn thấy rõ.

Đứng trước khung cảnh hùng vĩ, bao la, các bạn hãy nhớ đến thủ pháp này và nên bỏ ra chút thời gian để nhận định, quyết định chọn vị trí, giới hạn đóng khung hợp lý.