Nhiếp ảnh căn bản: 5 lưu ý khi chụp hình với hướng sáng ngược

“ngược sáng” là hướng ánh sáng hấp dẫn trong nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh cần phải có ánh sáng và hướng sáng ngược là 1 thứ làm người ta “nghiện” vì hướng sáng này giúp người cầm máy thể hiện điều muốn nói 1 cách tốt nhất, mọi chủ đề trong hướng sáng ngược luôn trở nên long lanh, lung linh, rực rỡ, khi muốn diễn tả đường viền, đường biên của chủ đề, hướng sáng ngược luôn là lựa chọn đầu tiên, kể cả những lúc muốn diễn tả chi tiết chủ đề lẫn đường biên, hướng sáng này cũng là lựa chọn tốt nhất.

Ở vị trí cầm máy, nếu bóng đổ của chủ đề ở phía trước thì chúng ta đang có hướng sáng ngược. Những chủ đề có đường biên đẹp, chủ đề trong suốt hoặc bán trong suốt sẽ trở nên long lanh, rực rỡ trong hướng sáng ngược.

Nói đến ánh sáng mà không nói đến bóng tối là thiếu sót lớn, trong ảnh có hướng sáng ngược thì vùng tối sẽ làm nền tôn lên vẻ đẹp của chủ đề, điều kiện đầu tiên và quyết định sự thành công trong 1 tấm ảnh có hướng sáng ngược là chủ đề phải được bao quanh bởi vùng tối, khi đó , do chủ đề được ánh sáng rọi vào sẽ nổi bật lên nhờ sự tương phản giữa sáng và tối, đường biên của của chủ đề sẽ là nơi nổi bật nhất, hoặc chủ đề trong suốt, bán trong suốt sẽ “bừng sáng” nhờ được ánh sáng rọi vào

 

Thời điểm tốt khi sử dụng hướng sáng ngược

Vào thời điểm sáng sớm và chiều tà, do hướng sáng ngược và góc chiếu sáng thấp nên mọi vật chỉ được ánh sáng rọi vào 1 phần nhỏ, chúng ta dễ dàng tìm được vùng bóng tối rộng lớn để làm nền cho chủ đề của chúng ta. Góc chiếu càng thấp ảnh càng hấp dẫn. Chung quanh nơi chúng ta sinh sống vào thời điểm tốt cảnh vật sẽ trở nên lung linh, rực rỡ, ở xứ nhiệt đới, thời gian có ánh sáng ngược đẹp khá hiếm và diễn ra ngắn ngủi, do vậy chúng ta nên bỏ nhiều thời gian tìm hiểu vị trí, thời điểm trước, và nhất là nên có mặt trước, chuẩn bị sẵn sàng để có thể bắt được khoảnh khắc “vàng”. Những ngày mà có thể trời sẽ trong, không có mây che mặt trời lúc 4-5 giờ chiều là lý tưởng nhất để lang thang săn ảnh, do vậy nếu có sẵn địa điểm từ trước là tốt nhất.

 

Góc chiếu sáng của hướng sáng ngược tôn lên những đường nét đẹp của chủ đề

Có thể sử dụng góc chiếu sáng trực diện hoặc chếch 1 bên từ phía sau chủ đề rọi tới, tuỳ theo chủ đề mà chúng ta sẽ phải chọn góc chiếu bao nhiêu, việc chọn lựa chính xác sẽ giúp chúng ta diễn tả tốt nhất chủ đề của mình, trước khi chọn góc chiếu sáng chúng ta có thể tự đặt ra những câu hỏi như: có cần diễn tả chi tiết chủ đề? ven sáng cần dầy hay mỏng? chủ đề sẽ phải ở vị trí nào so với bối cảnh, các mảng sáng tối của bối cảnh sẽ phân bố ở đâu trong khung ảnh? v.v… sẽ có rất nhiều thông tin cần xử lý để chọn ra 1 giải pháp tốt nhất, việc này đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế thật nhiều.

 

Hậu cảnh có vai trò rất quan trọng

Nếu đặt mục tiêu từng pixel ở hậu cảnh đều hỗ trợ nội dung, không thừa 1 pixel nào thì có vẻ quá đáng, tuy vậy hậu cảnh tối thiểu cũng phải làm tốt vai trò làm nổi bật chủ đề, nội dung để không phải dùng đến lời nói giải thích .

Vậy hậu cảnh cần đạt những gì?

Độ sáng của hậu cảnh cần tối hoặc rất tối nhưng không nên tối đến mức đen hoàn toàn, hậu cảnh đen hoàn toàn sẽ làm cho ảnh đơn điệu, trừ 1 số ít trường hợp như khi chủ đề có diện tích chiếm gần hết khung ảnh hoặc khi đen hoàn toàn mới diễn tả hết được ý muốn của người chụp.

Những mảng sáng ở hậu cảnh nên là 1 phần của nội dung tấm ảnh, nếu không sẽ phá hỏng nội dung, nếu những mảng sáng ở hậu cảnh không phải nội dung thì diện tích nên nhỏ, càng nhỏ càng tốt.

đường nét ở hậu cảnh không nên nổi bật vì quá rõ ràng hoặc quá sáng nếu không phải là nội dung của ảnh.

Màu sắc của hậu cảnh có thể tương đồng hoặc tương phản với chủ đề, tuỳ ý đồ thể hiện, không nên có nhiều màu khác nhau nếu không phải là nội dung ảnh.

 

Ống kính nào phù hợp khi sử dụng ánh sáng ngược?

Tất cả ống kính đều có thể sử dụng được, tuy vậy những ống kính có chất lượng quang học tốt hơn sẽ thể hiện được nhiều hơn nếu muốn ảnh “trong trẻo” và do cần bối cảnh tối nên ống kính có tiêu cự khoảng 50mm đến 200mm hoặc hơn nữa sẽ giúp chúng ta dễ dàng có bối cảnh tối thuần không bị những mảng sáng phá hỏng tấm ảnh. Với ống kính có tiêu cự ngắn hơn 50mm cần nhiều trải nghiệm thực tế để có thể làm chủ được hướng sáng ngược.

Loa che nắng cho ống kính là không nên thiếu, nó giúp loại bỏ hiện tượng “flare”, “halo”, làm cho ảnh trong trẻo hơn, nếu không có loa che nắng hoặc loa che nắng không đủ chặn ánh sáng “halo” chúng ta có thể dùng tay, nón, núp trong bóng râm của cây cối, nhà cửa v.v… để thay thế.

 

Sử dụng hướng sáng ngược để diễn tả những cảm xúc đa dạng

Từ rực rỡ, năng động… cho đến êm dịu nhẹ nhàng… đều có thể dùng hướng sáng ngược để diễn tả, hình ảnh sẽ thay thế lời nói.

 

Chụp ảnh ngược sáng có phần gần giống với thể loại chụp ảnh với độ tương phản cao . Trên đây chỉ là vài chia sẻ kinh nghiệm cho người bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật nhiếp ảnh